Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Trò chuyện với cáo


Con cáo

Tôi giật mình tỉnh giấc. Trời có lẽ đã khuya lắm rồi. Âm thanh duy nhất mà tôi nghe thấy là tiếng lá cây xào xạc bên ngoài cửa sổ. Từng đợt gió thốc vào phòng, đem theo cả cái giá rét của mùa đông khiến tôi run như cầy sấy. Tôi rúc sâu vào chăn nhưng vẫn không trốn khỏi cái lạnh đang lan tỏa khắp nơi. Cuối cùng, chịu không nổi, tôi đành bước xuống giường đi đóng cửa sổ.
Đến gần cửa sổ, tôi ghé mắt nhìn xuống đường. Cả khu phố như biến thành một bức tranh, trầm mặc với những mảng màu tối sáng. Ánh đèn đường hắt lên tường những bóng cây đang uốn éo thành các hình thù ma quái. Tôi bị cuốn hút vào sự huyền diệu lung linh của buổi đêm, cứ đứng ngây người ra, quên cả cái lạnh đang bao trùm không khí. Đột nhiên, ở phía bên kia đường xuất hiện một bóng đen đang di chuyển rất nhanh. Nói đúng hơn, một con gì đó đang trườn thoăn thoắt theo bờ tường của những ngôi nhà đối diện. Và tôi thấy nó dừng lại sau một thân cây.
Đó không thể là một con chuột! Nó phải đến gấp ba, à không, tôi muốn nói là gấp bốn lần một con chuột cống cỡ bự. Nó lại có một cái mõm dài như mõm chó. Nhưng nó không thể là chó được. Cái kiểu trườn của nó không phải là kiểu trườn của một con chó, mà là kiểu trườn đặc trưng của một tên trộm. À, bây giờ thì tôi biết nó là ai rồi! Cái đuôi xù và cái mũi nhọn hoắt đang hếch lên đánh hơi trong không khí kia đích thị là vật sở hữu của một con cáo. Vâng! Một con cáo! Tôi có thể thề. Dù chưa bao giờ được mục kích tận mắt một con cáo bằng xương bằng thịt nhưng tôi khẳng định hiện tại có một con đang nấp sau một thân cây cách chỗ tôi đứng khoảng hai lăm mét. Điều đó làm tôi kích động. Sẽ ra sao nhỉ nếu tôi là chủ của một con cáo? Chắc chắn sẽ thú vị lắm đây. Bọn bạn tôi cũng nhiều đứa nuôi thú kiểng. Tôi đã từng trầm trồ thán phục sự thông minh của con Milô nhà thằng Nghĩa, thèm thuồng đôi thỏ trắng của nhỏ Oanh, và ganh tị với bể cá của thằng Dương. Cái bể cá của thằng Dương sẽ không có gì đáng nói nếu trong đó chỉ có cá. Nếu muốn, tôi có thể đạp xe đến những hiệu cá cảnh trong thành phố và tậu về đôi ba cặp. Điều đó quá đơn giản. Điều đặc biệt tôi muốn đề cập đến ở đây là trong bể cá nhà thằng Dương có nuôi một con rùa. Ôi con rùa! Nó làm tôi thích mê tơi. Bạn đã bao giờ quan sát cái cách một con rùa bắt mồi chưa? Thú vị vô cùng! Tôi đã ở nhà thằng Dương suốt một buổi chiều để chờ xem điều đó.
Ai cũng biết rằng những con cá thở bằng mang. Nhưng đôi khi chúng cũng phải ngoi lên trên mặt nước để đớp không khí, hoặc thức ăn, hoặc một cái gì đại loại như thế mà cần thiết cho sự sống. Trớ trêu thay, sự sống của nó cũng do đó mà kết thúc. Con rùa rất biết nắm bắt cơ hội. Nó rình ngay bên dưới, khi con cá vừa trồi lên trên mặt nước, quan sát, chờ đợi, và “phập”. Cú đớp của con rùa như một tia chớp nhưng con cá đã quẫy mình tránh được. Tưởng chừng sau lần chết hụt, nó sẽ cảnh giác hơn. Nhưng không! Chỉ độ khoảng hai phút sau, bản năng lại thôi thúc nó trồi lên. Và con rùa lại rình, lại đớp, rồi lại hụt. Cứ thế, rùa và cá vờn nhau cả chục lần. Rồi con cá cũng dần đuối sức. Phản ứng của nó càng lúc càng chậm chạp trước những đòn tấn công của con rùa. Sau cú đớp cuối cùng, bể cá nhà thằng Dương mất đi một thành viên.
Từ hôm đó, tôi luôn ao ước có một con rùa để nuôi. Nhưng con rùa đó nghe đâu ba nó đem từ Hà Nội về chứ ở đây làm gì có. Vậy là tôi vỡ mộng.
Bây giờ, tôi chẳng cần phải mơ mộng nữa. Tôi sắp có một con cáo. Mà cáo thì chắc chắn phải hơn hẳn rùa. Rừng núi biến thành đồng bằng, đâu phải cứ xì tiền ra là có cáo! Và mọi người sẽ trầm trồ, sẽ thán phục, sẽ ganh tị với con vật độc đáo này. Mà có thể tôi sẽ được lên báo không biết chừng.
Những suy nghĩ đó làm tôi muốn phát điên lên! Nó nhảy tưng tưng trong đầu, phấn khích và dâng trào. Nó thôi thúc tôi bắt con cáo. Nhưng tôi sẽ làm điều đó như thế nào?
Tôi không thể ra ngoài bằng cửa chính ở nhà dưới được. Ba má tôi nằm ở sau bếp sẽ tỉnh dậy ngay. Và chẳng có lý do gì đủ chính đáng để có thể giải thích cho việc một thằng nhóc sợ ma kinh niên muốn ra đường vào lúc đêm hôm khuya khoắt. Má tôi sẽ nghĩ là tôi bị ma dắt, hay tệ hại hơn là tôi đã hóa rồ.
Cách đó không được, tôi nghĩ đến cách thứ hai. Cách này bảo đảm sẽ không bị ai phát hiện nhưng có điều nó hơi mạo hiểm. Ngay trước nhà tôi có một cây trứng cá mọc sát với ban công. Tôi có thể trèo theo đường đó để ra ngoài mà không bị ai phát hiện. Cách này có vẻ ổn nhưng chỉ cần một chút bất cẩn là tôi sẽ bị té lọi giò ngay tắp lự. Rồi hôm sau, trên trang nhất của tờ báo địa phương sẽ xuất hiện dòng tít: “ Một cậu bé mộng du trèo ra khỏi nhà té phải nhập viện” và kèm theo là một bức hình tôi nằm còng queo dưới gốc trứng cá. Tôi không muốn lên báo theo kiểu đó, nhưng tôi muốn có con cáo. Cuối cùng, tình… thương yêu động vật đã chiến thắng.
Tôi ra ban công, nhẹ nhàng khép cửa lại rồi trèo qua lan can. Bắt đầu đến giai đoạn khó nhất. Cây trứng cá chỉ cách lan can một tầm với tay nhưng phía dưới đó là độ cao bốn mét, đủ để đưa tôi lên mặt báo. Tôi cố nhoài ra. Gần như là nhảy sang cái cây và điu cứng lấy nó. Tim đập thình thịch, mồ hôi toát ra lạnh ngắt. Tôi cố trấn tĩnh và tiếp tục trèo. Đến cành thấp nhất, tôi nhảy xuống. Dù đã cố gắng hết sức để giảm tiếng động nhưng khi hai chân tôi tiếp đất, tiếng bịch vang lên giữa đêm khuya thanh vắng giống như một phát súng chỉ thiên. Con cáo quay phắt lại. Nó đã thấy tôi.









Hồ Ly tinh


Không một chút sợ hãi thoáng qua trên khuôn mặt, con cáo tiến về phía tôi một cách thận trọng. Tôi không hề lường trước tình huống này, và giờ đây người phải sợ là tôi. Tôi đứng chôn chân tại chỗ, nhìn nó trừng trừng. Khoảng cách giữa con cáo và tôi thu hẹp dần. Hai mươi, mười lăm, mười, và năm mét. Khi khoảng cách là năm mét, nó dừng lại. Đôi mắt nó có một sức mạnh vô hình khiến tôi bất động hoàn toàn khi nhìn vào đó. Bỗng một tiếng nói vang lên phá vỡ bầu không khí im lặng đến rợn người:
- Đừng sợ!
Cha mẹ ơi! Thà nó đừng lên tiếng, chứ nó trấn an kiểu đó chẳng khác nào hù dọa tôi. Nghe giọng nói đầy ma quái đó, suýt nữa tôi “bậy” ra quần. Thanh âm huyền bí phát ra từ cái cổ họng phập phồng mà không cần há mõm. Một luồng ớn lạnh chạy dọc sống lưng rồi lan ra khắp người. Quai hàm tôi cứng ngắc, lưỡi như bị ai rút mất. Tôi nhớ đến con hồ ly tinh trong câu chuyện của bà nội.
Ở xứ sở Phù Tang xa xôi, đằng sau những ngọn núi cao ngất và những cánh rừng bạt ngàn có một người tiều phu nọ. Hằng ngày, anh ta phải vào rừng đốn củi để mang xuống làng đổi gạo. Đường đi trong rừng anh ta thông thạo như lòng bàn tay. Thế mà chẳng hiểu vì sao một hôm anh tiều phu lại bị lạc. Anh ta cứ đi loanh quanh mãi mà không tài nào tìm được lối ra. Trời tối dần. Chán nản, anh quẳng bó củi vào một gốc cây rồi buông người ngồi phịch xuống đất. Và như bao nhiêu câu chuyện cổ khác, trong thời điểm tuyệt vọng nhất, người tiều phu bỗng thấy ánh đèn le lói hắt qua những lùm cây.“Có thể đến đó tá túc một đêm được đây!”. Người tiều phu thầm nghĩ và xốc bó củi lên vai. Anh lần về phía ánh đèn.
Đó là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Người tiều phu đến gần cửa sổ và ghé mắt nhìn vào. Bên chiếc bàn nhỏ là một cô gái xinh đẹp trong bộ kimono đỏ đang ngồi may áo dưới ánh đèn dầu leo lét. Bỗng cô gái ngước lên, trông thấy chàng tiều phu, trên khuôn mặt cô thoáng một nụ cười. Cô đặt tấm áo may dở xuống và mở cửa mời chàng tiều phu vào nhà. Còn đang ngơ ngẩn trước nụ cười đẹp như hoa mùa xuân, anh chàng đâm ra lúng túng. Nhưng cuối cùng anh cũng yên vị trên ghế với một bát súp nghi ngút khói. Ăn xong bát súp, chàng tiều phu cảm thấy đầu mình nặng như búa bổ. Trước khi gục xuống, anh nhận ra mặt cô gái đang biến dạng đầy ma quái, và nụ cười của cô trắng nhởn với những chiếc nanh nhọn hoắt đến ghê người.
- Vậy anh ta có bị ăn thịt không hả nội?- Tôi chen ngang.
Bà nội nhíu mày, nghiêm khắc:
- Đừng ngắt lời bà! Rồi con sẽ biết ngay thôi. Một con hồ ly tinh không bao giờ ăn thịt người. Gã tiều phu không hề chết. Nhưng sau khi được người ta tìm thấy, hắn đã phát điên. Miệng hắn chỉ lảm nhảm được ba chữ: hồ ly tinh!
Câu chuyện của bà nội an ủi tôi phần nào. Ít ra thì tôi cũng không chết. Nhưng tôi cũng đâu có muốn kết thúc phần đời còn lại của mình trong bệnh viện tâm thần. Tôi còn quá trẻ. Chỉ mới lên chín thôi!
- Đừng sợ!
Giọng nói ma quái lại vang lên kéo tôi về với thực tại. Tôi rú lên, lao về cánh cửa, tay đập rầm rầm:
- Ba! Mẹ! Cứu con! Ba! Mẹ!…
Tôi gào khản cả cổ. Và điều đó quả nhiên không vô ích. Ngoài ba mẹ tôi ra, tôi còn đánh thức được thêm mấy người hàng xóm nữa. Tôi thấy đèn trong nhà bật sáng:
- Ai đó?
- Con!- Tôi gào lên như thể nếu không làm thế mẹ tôi sẽ trở vào ngủ tiếp.- Con đây! Mở cửa cho con mẹ ơi!
Mấy người hàng xóm la vọng ra:
- Ai chơi kỳ vậy? Biết mấy giờ rồi không? Để yên cho người ta ngủ chứ!
Tôi nín thinh. Cùng lúc đó, cửa xịch mở, mẹ tôi thò đầu ra, hoảng hốt:
- Có chuyện gì mà la ỏm tỏi lên vậy hả con? Mà mày ra ngoài đó bằng cách nào vậy?
- Mẹ ơi!- Tôi kêu lên- Có một con cáo…
Mẹ nhìn quanh:
- Cáo cò gì ở đây? Sao mẹ không thấy?
Tôi ngoái lại phía sau. Quả thật con cáo không còn ở đó nữa. Mẹ tôi nhìn tôi:
-  Con nói cái gì vậy? Mớ ngủ hả?
Tôi thanh minh:
- Có con cáo thật mà mẹ!
- Vậy nó đâu?
- Con cũng không biết…
Mẹ tức giận cắt ngang lời tôi:
- Vô nhà! Lên phòng ngay! Sáng mai tao sẽ hỏi tội mày!
Ba tôi đứng ngay chân cầu thang. Thấy tôi, ông làu bàu:
- Làm cái gì mà đêm hôm không cho ai ngủ vậy con?
Tôi không đáp, len lén chạy một mạch lên phòng. Thoát khỏi con cáo là may mắn lắm rồi!











Họa vô đơn chí

Tôi đã lầm. Sao quả tạ vẫn cứ nhằm tôi mà chiếu. Vừa đóng xong cánh cửa phòng, tôi quay người lại và lập tức á khẩu. Con cáo, ý tôi là con hồ ly tinh đó nó đang chễm chệ trên giường của tôi. Toàn thân tôi cứng ngắc lần thứ hai. Con cáo nhảy xuống giường, tiến về phía tôi với những bước đi tự tin và uyển chuyển chứ không phải là thận trọng như lúc nãy. Nó dồn sát tôi vào cánh cửa. Không biết phải mất bao lâu tôi mới tìm lại được tiếng nói của mình.
- Mày… mày là ai?- Tôi lắp bắp.
Con cáo hừ giọng:
- Bộ ngươi đui sao? Ta là một con cáo.
Tôi trấn tĩnh lại. Hóa ra nó vẫn là một con cáo thôi, mặc dù nó biết nói. Nhưng giọng điệu giễu cợt của nó làm tôi phát ngượng. Tôi đỏ mặt:
- Tao không có đui. Chỉ tại tao chưa gặp con cáo nào biết nói cả!
- Bây giờ ngươi đã gặp rồi đó thôi!
Tôi hắng giọng, lấy tinh thần:
- Ý tao muốn nói là trước đây! Còn bây giờ lại là chuyện khác.
- Ta lại thấy chẳng có gì khác nhau cả. Trước đây hay bây giờ cũng vậy thôi!
Con cáo này lằng nhằng thật. Hình như nó ăn thiếu muối Iốt hay sao đó! Có mỗi chuyện cỏn con mà cũng bắt bẻ cho được. Thật là bực mình! Nhưng tôi vẫn đấu dịu:
- Được rồi! Vậy làm sao mày lại vào được đây?
- Đối với một con cáo thì không có nơi nào là bất khả xâm phạm.
Có thể nó ba hoa, nhưng cũng có thể đó là sự thật. Nó nói tiếp:
- Ta cần được giúp đỡ!
- Nhưng tại sao mày tìm tao?
Nó nghếch mõm lên:
- Vì ngươi là người đầu tiên nói chuyện với ta.
Tôi nói:
- Nếu mày không rời khỏi đây thì ba hoặc mẹ tao sẽ là người thứ hai đó!
- Đừng!- Nó khẩn khoản- Ta gặp khó khăn thực sự mà!
Tôi động lòng:
- Thôi được! Nhưng mày phải trả lời những câu hỏi của tao!
- Ta sẽ cố!
Tôi nuốt nước bọt:
- Mày có phải là… hồ ly tinh không?
Con cáo nheo mắt:
- Sao ngươi lại nghĩ vậy?
Tự nhiên tôi đâm ra lúng túng trước cái nhìn của nó.
- Bà tao bảo…- Tôi ấp úng- Bà tao bảo những con cáo biết nói đều là hồ ly tinh.
Con cáo cười khảy:
- Nếu như vậy, ngươi biết ta sẽ gọi ngươi là gì không?
- Là gì?
Nó nhe răng tinh quái:
- Là hầu tinh!
Tôi ré lên:
- Không phải! Mày nói bậy!
Có tiếng mẹ tôi từ dưới lầu vọng lên:
- Mày chưa ngủ hay sao còn la lối cái gì trên đó!
Tôi im re. Con cáo cũng hạ giọng thì thầm:
- Ngươi phải chấp nhận sự thật thôi. Loài người các ngươi là từ khỉ biến thành. Ngươi chưa biết điều đó hay sao?
Tôi chống chế:
- Đó là sự tiến hóa.
- Vậy thì đối với loài cáo chúng ta, việc nói được cũng là sự tiến hóa. Đâu có lý gì ngươi lại gọi ta là hồ ly tinh.
Tôi cố vớt vát:
- Ta tưởng loài cáo thì có tiếng nói riêng của loài cáo chứ!
Nó nói:
- Ta tưởng ngươi đã hiểu ra vấn đề rồi chứ! Đúng là loài cáo có tiếng nói riêng của loài cáo, loài khỉ cũng có tiếng nói riêng của loài khỉ. Không nên chối bỏ tổ tông nhưng ngươi phải thừa nhận rằng thứ tiếng của ta và ngươi đang nói là thứ ngôn ngữ cấp cao, thứ ngôn ngữ cấp cao của những động vật cấp cao. Bất kỳ loài nào tiến hóa đến cấp bậc này đều có thể sử dụng. Không hề phân biệt.
Tôi chưa hết thắc mắc:
- Nhưng tao thấy mày nói mà không cần mở miệng.
Con cáo gật đầu:
- Cấu tạo của mõm ta không cho phép những cử động linh hoạt. May mắn thay, thanh âm của loài cáo không phụ thuộc vào cái mõm mà nó phát thành tiếng ngay từ trong cổ họng. Chỉ cần một hơi thở là ta có thể nói dễ dàng.
- Vậy có khoảng bao nhiêu cáo giống như mày?
- Cách đây năm thập kỷ, con số đó trên một ngàn. Nhưng bây giờ…- Giọng con cáo trở nên xa xôi, tôi nghe được trong đó cả một nỗi niềm tiếc nuối.- Sau bốn mươi năm, chỉ còn không quá năm mươi. Bây giờ, chỉ còn lại mình ta. Người ta đào núi, phá rừng khiến muông thú mất nơi trú ẩn. Lại thêm bọn thợ săn. Chúng ta đã trốn chạy điên cuồng nhưng không thể nào thoát khỏi bàn tay ác độc của con người…
Tôi hỏi:
- Vậy tại sao mày không lên tiếng cho họ biết?
- Để làm gì? Để rồi họ tổ chức một cuộc càn quét, truy bắt những con cáo biết nói về và trưng bày trong sở thú hoặc làm vật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm hả!? Ta đâu có ngu!
- Nhưng mày đã nói chuyện với tao đấy thôi!
- Đó lại là chuyện khác! Ta đang cần giúp đỡ. Vả lại ta linh cảm rằng ngươi là người đáng tin cậy. Không phải ai cũng cho ta cảm giác như thế đâu! Ngươi là ngươi đầu tiên. Sau những sự việc xảy ra, ta mất hết lòng tin và thiện cảm với con người.
- Tao rất tiếc!- Câu nói vừa thốt ra, tự nhiên tôi thấy mình giống… bà nội kinh khủng. Con cáo không để ý đến điều đó, nó vẫn chìm đắm trong quá khứ hãi hùng:
- Mất chỗ ở, chúng ta lần xuống đồng bằng. May mắn, hay xúi quẩy, chúng ta tìm thấy một nguồn lương thực tuyệt vời nhưng nguy hiểm. Đó là những con gà nhà. Ngon lành làm sao! Những chú gà.- Con cáo mơ màng- Không dai nhách như những con gà rừng, không tanh tưởi như lũ ếch nhái, cũng không hôi hám như đám chuột chù, chuột cống, những con gà nhà là thực phẩm thơm ngon và giàu dinh dưỡng nhất. Nhưng để có được chúng, bọn ta phải đánh đổi bằng máu, mồ hôi, nước mắt, và cả mạng sống của mình.- Giọng nó đanh lại.- Súng nổ. Bẫy sập. Và chúng ta đi đời. Một lũ người hèn hạ và bẩn thỉu!
Cảm thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ cho đồng loại, tôi lên tiếng:
- Nhưng mày đã ăn trộm gà của người ta. Họ phải bảo vệ tài sản của mình chứ!
Con cáo thì thào qua hơi thở. Tuy vậy tôi vẫn cảm thấy nó đang gằn từng tiếng một:
- Ăn trộm? Một chút thiệt hại đó của các người thì đáng là bao so với những gì mà các người đã gây ra với loài cáo? Chỗ ở, thức ăn, gia đình, bè bạn. Tất cả đều lần lượt mất đi bởi bàn tay của con người…- Nói đến đây, con cáo nấc lên. Và trong giây phút đó, tôi có cảm tưởng nó không còn là một con vật nữa, mà giống như một con người, không phải, đúng ra nó là một sinh vật bậc cao thực sự. Tôi ngồi bệt xuống, dựa lưng vào cửa, im lặng và xấu hổ. Một con cáo khốn khổ đang cầu cứu tôi, vậy mà tôi lại mất thời gian vào những chuyện không đâu. Tôi thì thầm:
- Vậy mày cần tao giúp gì?
Con cáo ngẩng lên:
- Ta cần có một nơi ở mới. Một nơi ở có đồng loại của mình!
Tôi trầm ngâm:
- Việc đó quá sức của tao.
Mặt con cáo lộ vẻ thất vọng. Thấy vậy, tôi vội xua tay:
- Không sao đâu! Tao sẽ cố giúp mày.








Một khu bảo tồn thì sao nhỉ?

- Khu bảo tồn là cái gì?- Con cáo tròn mắt khi tôi đề xuất ý tưởng cực kỳ sáng chói đó.
- Tao tưởng cái gì mày cũng biết chớ!
- Chỉ hạn chế trong một số lĩnh vực thôi. Nói cho ta biết đi!
Tôi chậm rãi:
- Đó là một khu rừng, một khu rừng nguyên sinh. Cô giáo tao bảo vậy. Trong đó, các loài chim thú quý hiếm được sống an toàn mà không phải cảnh giác với những khẩu súng săn hay những cái bẫy. Dĩ nhiên trong số đó có cả cáo!
Con cáo reo lên khe khẽ, toàn thân nó run lên:
- Thật sao? Có nơi như vậy thật sao? Nói đi! Ngươi không lừa ta chứ?
Tôi gật đầu:
- Không đâu! Tao không lừa mày đâu. Có những nơi như vậy đó!
Con cáo rối rít:
- Đó đúng là một thiên đường! Nói đi! Mau đi! Hãy nói cho ta biết nó ở đâu!
Tôi vỗ nhẹ vào lưng nó để làm dịu cơn xúc động:
- Tao chỉ biết rừng Quốc gia Cúc Phương ở tỉnh Ninh Bình.
- Đi! Đi thôi! Hãy dẫn ta đến đó!
Tôi trợn mắt:
- Mày điên hả? Nơi đó cách chỗ chúng ta cả ngàn cây số.
Nhưng con cáo không còn nghe tôi nữa. Nó đã bị kích động thực sự. Nó bắt đầu nhảy múa quanh phòng và hát nho nhỏ:

Không còn những cái bẫy

Không còn khẩu súng săn
Không còn thiếu thức ăn
Không còn lo bị đói…
Đang hát, nó quay phắt sang tôi:
- Ở đó có thức ăn chứ?
Tôi gật đầu:
- Dĩ nhiên là có! Nhưng không phải là những con gà nhà đâu!
- Thây kệ! Chúng là thức ăn nguy hiểm! Những thứ ngon lành đều nguy hiểm.
- Tao không nghĩ vậy!
Nó giục giã:
- Chúng ta đi thôi! Đừng để phí thời gian!
Tôi lắc đầu:
- Không được đâu! Nơi đó xa lắm.
- Cụ thể?
- Tao không biết chính xác nhưng nếu đi bộ thì phải mất có khi cả năm trời mới tới nơi. Tao không thể nào rời nhà đi quá một ngày được.
Con cáo xụi lơ:
- Vậy cũng như không!
Thấy nó xụi lơ, tôi cũng xụi theo. Một lúc sau, tôi nói:
- Giá có cách nào đi nhanh hơn. Nếu mày là chim thì hay biết mấy!
Con cáo quay phắt sang nhìn sững tôi. Rồi đột nhiên, nó nhảy cẫng lên:
- Tuyệt vời! Tại sao ta không thể là chim nhỉ? Một ý tưởng tuyệt vời!
Tôi nhìn điệu bộ phấn khích của nó, làu bàu:
- Im đi! Mày đánh thức cả nhà dậy bây giờ! Làm gì có chuyện cáo biến thành chim!
Nó nói:
- Chính ngươi phải im đi thì có! Nghe đây cậu bé, loài cáo chúng ta biết phép biến hình! Và ta sẽ là một con chim nếu ta muốn.
Tôi há hốc mồm:
- Biến hình!Ý mày là biến từ hình dạng này sang hình dạng khác hả?
Con cáo xác nhận:
- Đúng vậy! Ta sẽ cho ngươi xem!
Ngay lập tức, tôi thấy cơ thể nó thay đổi. Toàn thân nó co rút lại, lớp lông mao thụt sâu vào trong da, nhường chỗ cho những chiếc lông vũ. Đầu nó chỉ còn bằng trái chanh. Hai chân trước biến thành đôi cánh, hai chân sau teo lại, khẳng khiu. Kể thì lâu vậy chứ tất cả những việc đó xảy ra chỉ trong chớp mắt. Bây giờ, trước mặt tôi là một… con gà. Và sau một cái lắc mình, con gà trở lại thành con cáo.




















Úm ba la!


Tôi không tin vào mắt mình nữa. Những gì tôi vừa chứng kiến thật quá sức tưởng tượng, nhất là với một thằng bé chín tuổi. Nhưng nó thật như bạn đang có mặt trên đời này vậy. Sự thật phải được thừa nhận!
- Phép biến hình này- Con cáo nói- là phép thuật gia truyền. Để thực hiện, chúng ta phải tác động những xung lực nhỏ, cực kỳ nhỏ nhằm thay đổi tế bào, nội tạng, khung xương… cho giống với những sinh vật mà ta muốn biến thành. Điều này đòi hỏi phải nắm rõ về  những sinh vật đó, từ trong ra ngoài. Đó là mặt hạn chế và cũng là lí do tại sao chúng ta không thể biến thành những con vật lớn hơn như hổ báo, hay người chẳng hạn.
- Rắc rối quá!
- Đúng vậy! Nhưng nếu như nắm được nguyên lý rồi thì ngươi sẽ thấy nó dễ dàng hơn nhiều.
- Vậy thì tốt rồi! Mày hãy biến thành một con chim và bay đi!
Con cáo trầm ngâm:
- Nếu đơn giản vậy thì đã tốt!
- Chuyện gì nữa đây?
- Ta chợt nhớ ra là ta chẳng biết một tí gì về cấu tạo của một con chim cả!
- Nhưng chẳng phải mày vừa mới biến thành một con gà đó sao?
Con cáo cáu kỉnh:
- Ngươi ngốc quá! Một con gà với một con chim chẳng có liên quan gì với nhau cả. Ngươi thấy một con gà biết bay bao giờ chưa?
Tôi lắc đầu:
- Chưa!
- Đó! Vấn đề là ở chỗ đó đó!
Tôi hỏi:
- Chẳng lẽ cả gia tộc nhà ngươi chưa có ai ăn thịt một con chim sao?
- Việc bắt một con vật biết bay là quá sức đối với chúng ta.
- Ngay cả một con chim chết?
Con cáo gắt gỏng:
- Loài cáo chúng ta không phải là lũ ăn những cái xác rữa thối tha!
Tôi đánh trống lảng:
- Thế những con gà rừng thì sao?
Giọng nó hào hứng hẳn:
- Cái đám linh tinh đó là một lũ ngốc. Chúng chỉ lên cây lúc có động hoặc khi trời tối thôi. Để bắt chúng, chỉ cần một chút kiên nhẫn và khéo léo.
- Ý tao là một con gà rừng phải biết bay chứ!
- À! Chuyện đó hả?- Con cáo tỏ ra lúng túng- Thực sự là khi đó chưa bao giờ ta nghĩ là sẽ biến thành đồ ăn của chính mình cả!
Tôi nói:
- Sao lúc đó mày không nghĩ là mày sẽ biến thành chúng để dụ những con khác?
Con cáo lắc đầu nguầy nguậy:
- Không thể được!
- Tại sao?
- Tại sao à? Ngươi động não một chút được không? Ngươi thấy chim bồ câu chưa? Rồi hả? Hãy nghĩ thử coi tại sao khi một con người, hay một con mèo bước tới gần chúng lại hoảng hốt tản ra xa trong khi điều đó không xảy ra nếu kẻ bước tới là một con chó.
- Vì mèo ăn thịt chim!
- Đúng! Cả con người cũng vậy. Và sát khí tỏa ra xung quanh khiến lũ bồ câu hoảng sợ. Tương tự như vậy, dù ta có biến thành một con gà rừng cũng không thể nào che dấu được hơi cáo. Bọn gà sẽ cảnh giác ngay. Vả lại, ta không thể vừa xông vào bắt mồi vừa biến hình trở lại. Tuy nhiên…
Tôi nôn nóng:
- Tuy nhiên sao?
Con cáo đủng đỉnh:
- Tuy nhiên, khi phải đối mặt với những gian khó ở đồng bằng, bọn ta đã nghĩ ra một cách làm mất đi mùi cáo.
- Cách nào vậy?
- Trước mỗi buổi kiếm ăn, bọn ta đều ngâm mình trong bùn khoảng nửa giờ. Sau khi gột lại bằng nước, chúng ta lấy lông gà cọ sát toàn thân. Khi đó, chúng ta sẽ có mùi của những con gà.
Tôi kêu lên:
- Tuyệt vời!
Con cáo cười tít mắt:
- Đúng, đúng! Thật là tuyệt vời! Sau đó chúng ta biến thành một con gà và trà trộn vào lũ gà trên sân…
- Rồi đánh chén từng con một?
- Đừng có tỏ ra ngu ngốc như thế! Ta đã bảo ta không thể vừa biến hình vừa vồ mồi mà! Vả lại chỉ cần thấy động là chủ nhà có mặt liền. Cả mấy con chó nữa chứ!
Tôi nghệch mặt ra:
- Vậy phải làm sao?
- Ta đợi khi đêm xuống, gà được lùa vào chuồng. Khi then đã cài, ta mới hiện nguyên hình và túm cổ một con. Nó “quác” lên một tiếng rồi tắt thở. Lũ gà đui kia làm ầm ĩ lên. Mặc kệ, ta vẫn đánh chén ngon lành. Khi chủ nhà cầm đèn ra soi thì chỉ thấy một nhúm lông gà, những cái xương và một chuồng gà bát nháo. Thời cơ cho ta thoát là khi hắn mở cửa chuồng kiểm tra. Nhảy ra ngoài cùng những con gà đang hốt hoảng, ta hiện hình trong đêm tối rồi chộp lấy hai con gà gần nhất đem về cho vợ và đàn con háu đói ở nhà. Đó là những ngày no đủ. Nhưng hiểm nguy lại đến từ hướng khác. Một số cáo đã bị bắt và giết thịt nhầm. Và đám chó được tăng cường để bảo vệ chuồng gà. Sau một lần chết hụt, ta đã thôi hẳn. Ôi! Những con gà!
Tôi cảm thấy đã đến lúc cần phải trở lại vấn đề chính:
- Thôi được rồi! Tức là bây giờ mày không thể biến thành chim phải không?
- Đúng vậy! Vả lại ta cũng chẳng biết đường đi!
- Tao sẽ chỉ đường cho mày sau! Trước mắt mày phải học về chim cái đã!
- Ta đồng ý! Nhưng bằng cách nào?
- Cách đây năm ngôi nhà có một bác sĩ thú y. Tao dám chắc ổng có rất nhiều tài liệu về chim thú. Và tao nghĩ ổng sẽ giúp đỡ mày.
- Người đó có đáng tin cậy không?
- Ổng là người tốt bụng nhất trên đời. Mày sẽ thích ổng cho mà coi! Sáng mai…
Vừa nói tôi vừa nhìn ra cửa sổ. Và tôi giật mình. Ngoài kia, bình minh đã ló dạng.
oOo
Thật may, sáng nay là sáng thứ bảy, tôi không phải đến trường. Nhưng không may cho tôi là mẹ vẫn chưa quên chuyện tối qua.
Để lại con cáo trên phòng, tôi xuống nhà dưới rửa mặt. Mẹ tôi chào buổi sáng bằng một câu hỏi:
- Hôm qua làm sao mày ra khỏi nhà vậy hả?
Tôi giơ bộ mặt ngây thơ:
- Con đâu có biết!
Mẹ hỏi:
- Mày nói vậy nghĩa là sao?
Tôi phịa:
- Khi con tỉnh dậy thì con đã thấy mình ở ngoài đường rồi.
Mẹ tôi nghi ngờ:
- Vậy còn cáo cò gì ở đây?
Tôi điếng người, chối đây đẩy:
- Không phải! Lúc đó con mơ thấy một con cáo. Nhưng khi tỉnh dậy thì nó biến mất!
Mẹ tôi thở dài:
- Đầu óc mày có vấn đề rồi con ạ! Nửa đêm nửa hôm…- Rồi bà tặc lưỡi- Thôi, đánh răng rửa mặt đi rồi ăn sáng!
Không biết mẹ có thật sự tin vào những lời tôi nói không nhưng dầu sao tôi cũng đã trút được một gánh nặng. Tuy vậy, tôi vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm vì trong bữa ăn, mẹ nói với ba tôi:
- Con nó bị mộng du hay sao ấy! Lát anh đưa nó đến bác sĩ nhé!
Tôi giãy nãy:
- Không! Con không đến bác sĩ đâu! Có gì để tí con qua cho bác Lâm khám.
Mẹ tôi nạt:
- Mày khùng hả? Ổng chữa cho thú không chứ có chữa cho người đâu!
Ba tôi cười:
- Thôi kệ! Cứ để con nó qua đó thử. Biết đâu bác cháu gần gũi dễ nói chuyện thì sao. Ổng cũng là bác sĩ mà!
- Anh cứ nói…
Mẹ không nói đồng ý nhưng tôi biết mẹ đã chịu thua. Khi đã chịu thua ba một điều gì, mẹ luôn nói vậy. Và tôi biết ơn ba vô kể.





































Bác sĩ Lâm


Ăn sáng xong xuôi, tôi dẫn con cáo qua nhà bác sĩ Lâm. Dĩ nhiên, nó ra khỏi nhà bằng cách riêng của nó.
Đến ngôi nhà có treo bảng “Bác sĩ thú y”, tôi gõ cửa và bảo con cáo tìm chỗ nấp. Mở cửa cho tôi là một người đàn ông cao gầy trong bộ pijama với nụ cười ấm áp. Đó là bác sĩ Lâm.
Bác sĩ Lâm sống một mình. Vợ ông đã mất đột ngột khi hai người chưa có đứa con nào. Nhưng bác sĩ không để mắt đến một người nào nữa. Tôi hay sang nhà ông chơi và bác sĩ rất quý tôi. Ông cưng tôi như con ruột. Tôi cũng rất mến ông. Đó thật sự là một bác sĩ tốt bụng và thân thiện.
- Chào con trai!- Ông reo lên khi thấy tôi.- Hình như con đã có một đêm không được tốt thì phải! Bác có nghe tiếng ồn vào lúc nửa đêm.
Tôi đỏ mặt:
- Vâng! Con đã gặp một chuyện hết sức lạ kỳ. Đó chính là lý do tại sao mới sáng con đã qua tìm bác.
- Vậy à? Con vào nhà đi!
Tôi bước vào. Một ngôi nhà nhỏ nhưng ngăn nắp và xinh xắn. Phòng khách gồm một tủ sách và một bộ bàn tiếp khách. Tiếp theo đó là lối ra nhà sau mà một chiếc cầu thang dẫn lên gác xép. Tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ kê cạnh tường theo tay bác chỉ.
- Con có muốn ăn chút gì không?
Tôi lễ phép:
- Dạ không ạ! Con ăn sáng ở nhà rồi.
- Vậy thì dùng một cốc sữa nóng nhé! Một cốc sữa vào buổi sáng là rất tốt đấy!
- Vâng!
- Nào! Bây giờ hãy kể cho bác nghe chuyện của con đi!
Tôi thuật lại toàn bộ một cách vắn tắt nhưng đầy đủ. Bác ngồi chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại “à” lên một tiếng hoặc hỏi những câu đại loại như: “Vậy à?”, “Thật sao?”… Khi tôi kết thúc, bác có vẻ trầm ngâm lắm. Tôi cứ sợ bác sĩ sẽ không tin vào câu chuyện của mình. Nhưng rồi bác hỏi:
- Vậy bây giờ con cáo đang ở ngoài kia hả?
Tôi gật đầu:
- Vâng ạ!
Bác bảo:
- Con ra gọi nó vào đây đi!
Tôi đi ra cửa, ngoắt con cáo. Nó rời chỗ nấp lon ton chạy lại:
- Sao rồi?
- Bác sĩ muốn gặp mày!
Nói rồi, tôi dẫn nó vào. Mặt bác sĩ thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy con cáo. Rõ ràng ông chưa tin hẳn vào câu chuyện của tôi. Con cáo tiến về phía ông, và nó nói:
- Xin chào!
Bác sĩ không đáp lại lời chào của nó. Thay vào đó, ông kêu lên khe khẽ:
- Phi thường! Thật là phi thường!
Con cáo hỏi lại:
- Ông nói gì cơ?
Tôi thì thầm vào tai nó:
- Chắc ổng vẫn chưa hết xúc động!
- Người lớn mà dễ xúc động vậy sao?
- Đương nhiên rồi! Chuyện khó tin quá mà!
Chúng tôi đang thì thầm to nhỏ thì bác sĩ bừng tỉnh. Ông nói, giọng run run:
- Thứ lỗi! Thật sự bác chưa gặp trường hợp nào như thế này! Ngồi đi! Ngồi đi!
Con cáo nhảy tót lên một chiếc ghế. Thấy cốc sữa trên bàn, nó chúc mõm vào tu một hơi cạn sạch. Tôi kêu lên:
- Ê! Cốc sữa đó của tao mà!
Con cáo liếm mép:
- Xin lỗi! Ta đói quá!
Bác sĩ đứng dậy:
- Không sao! Bác sẽ pha cho con ly khác.
Tôi ngăn bác lại:
- Không cần đâu bác ạ! Dù sao con cũng ăn sáng rồi.
Con cáo thè lưỡi:
- Nhưng ta thì cần đấy!
Tôi nhăn mặt:
- Mày thật chẳng biết lịch sự chút nào cả!
Nó cười hô hố:
- Lịch sự có giúp con người ta khỏi chết đói không, thưa “ngài”?
Tôi chưa biết trả lời sao thì bác sĩ đã lên tiếng:
- Không sao! Đừng nên bỏ đói thú vật, con trai ạ!
Con cáo cáu kỉnh:
- Đừng có xem thường ta như thế!- Rồi thấy bác sĩ bưng cốc sữa tới, nó xuôi xị- Mà thôi! Các người muốn nói gì cũng được.
Sau khi no nê, con cáo có vẻ phởn lắm. Nó nằm ườn ra trên ghế và rên ư ử. Tôi liếc bác sĩ, thấy ông đang chăm chú quan sát nó, mắt ánh lên sự thích thú. Tôi bắt chước ông, ngồi ngắm nghía con cáo. Nó có một bộ lông màu nâu đỏ hơi pha cam, một cái mõm nhọn. Đính trên chóp mõm là một cái mũi đen ươn ướt. Còn gì nữa nhỉ? À! Một cái đuôi dài thậm thượt và rậm rạp. Nó đang quấn mình trong cái đuôi ấy. Chắc là ấm áp lắm! Bỗng bác sĩ lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Được rồi! Bây giờ vấn đề của chúng ta là gì nhỉ? Mày cần biết cấu tạo của một con chim phải không?
Con cáo gật đầu:
- Đúng vậy!
- May cho mày là ta có nuôi một chuồng bồ câu. Chúng ta sẽ mổ thử một con.
- Ý kiến hay đấy!
Tôi kêu lên:
- Bác ơi! Như thế nó sẽ chết mất!
- Con bảo ai cơ?
- Con bồ câu ấy! Nếu mổ bụng ra thì nó sẽ chết mất!
Bác sĩ trấn an tôi:
- Đừng lo! Chúng ta chỉ xem phần nội tạng và các cơ xương thôi, rồi bác sẽ khâu bụng nó lại như cũ. Phần đầu ta sẽ tính sau. Bác có cả một kho sách về chim kia mà!
- Rồi nó sẽ lành chứ?
- Đương nhiên rồi! Con không tin vào một bác sĩ ư?
Thế là bác sĩ leo lên chuồng bồ câu trên gác xép bắt một con xuống và dẫn chúng tôi vào phòng khám ở phía sau. Vừa bước vào, tôi ngửi thấy mùi thuốc sát trùng.
- Rửa tay đi! Mang găng vào!- Bác sĩ bảo tôi. Con cáo được miễn bởi vì nó không có tay.
Con bồ câu tội nghiệp được gây mê rồi đặt lên trên bàn mổ. Bác sĩ kê một chiếc ghế ngay bên cạnh cho con cáo có thể quan sát những gì diễn ra trên bàn. Tôi cũng đứng sát bác sĩ.
- Chúng ta bắt đầu nào!
Bác sĩ nói và cầm con dao lên. Ông rạch một đường nhỏ trên bụng con bồ câu. Tôi không thích những cảnh đó nên bỏ ra ngoài đọc sách. Khoảng nửa tiếng sau, con cáo bước ra.
- Bác sĩ của ngươi thật là tuyệt vời!- Nó nói.- Dường như ông ta biết hết tất cả mọi thứ. Bây giờ ta cảm thấy mình có thể ngay lập tức biến thành một con chim và bay đi.
- Tao rất vui vì mày đã hài lòng. Còn bác sĩ đâu?
- Ông ta đang khâu bụng con bồ câu trong đó.
Đột nhiên tôi nghe tiếng bác sĩ la lên. Chúng tôi chạy vội vào phòng.
- Có chuyện gì vậy ạ?- Tôi thở hổn hển.
- Hỏi con cáo của con ấy! Nó thỉnh mất mề và gan chim rồi.
Tôi liếc con cáo. Nó giả lả:
- Ta chỉ muốn nếm thử thôi! Nhưng nó quả là tuyệt cú mèo!
Bác sĩ hỏi:
- Mày cuỗm lúc nào vậy?
Con cáo cười hề hề:
- Lúc ông không chú ý chứ lúc nào!
Bác sĩ giơ hai tay lên:
- Ôi trời ơi!
Rồi ông vung tay làm một cử chỉ chán nản:
- Thôi mày ăn nốt đi!
Con cáo hí hửng nhảy lên bàn mổ và chén sạch con bồ câu. Tôi nhún vai với bác sĩ và thấy ông khẽ lắc đầu.







































Bản đồ

Thấy tôi về, mẹ hỏi:
- Bác Lâm bảo sao?
- Ổng nói con bị mộng du bộc phát thôi. Không sao đâu!
Tôi nói y sì những gì bác sĩ Lâm dặn. Mẹ hơi nghi ngờ:
- Mộng du bộc phát là sao? Mẹ chưa nghe bao giờ cả!
Mẹ hỏi tôi hệt như tôi đã hỏi bác Lâm. Tôi tủm tỉm:
- Đó là một chứng mộng du nhẹ. Ở trẻ con chỉ phát bệnh có một lần.
- Vậy sao hồi nhỏ mẹ không bị?
- Mẹ ơi, chứng bệnh này mới được phát hiện mà. Với lại đâu phải ở trẻ em nào cũng gặp đâu!
Mẹ nháy mắt:
- Vậy kia đấy!
Và tôi thấy mặt mẹ có tươi hơn được một chút.
Ôi, giá mà tôi có thể kể cho mẹ nghe chuyện về con cáo. Giá mà tôi không phải nói dối mẹ. Nhưng điều đó là không thể. Nếu biết chuyện, ắt hẳn mẹ sẽ làm ầm ĩ lên ngay.
Sau giấc ngủ trưa, tôi sang nhà bác sĩ Lâm. Thấy tôi lấp ló ngoài cửa, ông vẫy tay:
- Vào đây, con trai! Chúng ta đang có một rắc rối đấy.
- Chuyện gì vậy bác?
- Con cáo này- Bác chỉ tay vào con cáo hiện đang nằm khoanh mình trong góc nhà- Nó hoàn toàn mù tịt về bản đồ. Bác không tài nào chỉ dẫn cho nó được.
Số là buổi trưa tôi để con cáo ở lại để bác sĩ hướng dẫn đường bay cho nó. Không ngờ sự việc lại xoay chuyển thế này. Tôi cắn môi, ngó bác sĩ:
- Bây giờ phải làm sao đây bác?
Bác sĩ lắc đầu:
- Bác cũng không biết nữa!
Con cáo nằm lim dim trong góc nhà. Bác sĩ ngồi bất động trên ghế, ánh mắt đầy suy tư. Tôi đi qua đi lại cho đỡ sốt ruột. Mắt tôi chạm vào cuốn sách trên bàn.
- Cái gì đây ạ?- Tôi cầm cuốn sách lên, đưa mắt về phía bác sĩ.
- Đó là cuốn cẩm nang bản đồ Việt Nam.
Tôi ngắm nghía cuốn sách, bìa của nó được vẽ minh họa đoàn tàu Thống Nhất. Đầu tôi lóe lên một ý tưởng.
- Hay chúng ta cho nó đi tàu!
Bác sĩ lắc đầu:
- Không được! Bây giờ người ta không để cho súc vật lên tàu đâu!
- Ý con không phải vậy. Nó sẽ biến thành chim bồ câu và đậu trên mui toa của một chuyến tàu ra Bắc.
Bác sĩ gật gù:
- Ý tưởng được đấy! Nhưng chúng ta lại gặp phải hai vấn đề mới. Thứ nhất là thức ăn. Từ đây ra đến đó chắc phải mất cả ngày. Bác e là nó không chịu nổi.
- Không sao!- Con cáo thức dậy nằm dỏng tai nghe chuyện tự lúc nào và bây giờ lên tiếng.- Ta từng phải nhịn đói cả tuần liền. Chỉ một ngày thôi thì nhằm nhò gì!
- Vậy thì tốt!- Bác sĩ tiếp tục- Nhưng vấn đề thứ hai là làm sao mày biết được ở đâu là ga Ninh Bình và xuống cho đúng địa điểm. Mày đâu có biết chữ, đúng không?
- Aa! Đó mới thực sự là vấn đề đấy!
Tôi nói:
- Bác sĩ ơi! Khi tàu dừng lại ở mỗi ga, người ta luôn thông báo trên loa đó là ga nào mà!- Rồi tôi quay sang con cáo- Chỉ cần mày chú ý nghe là được thôi!
Bác sĩ xoa hai tay vào nhau, phấn khởi:
- Tốt rồi! Bây giờ bác sẽ gọi cho nhà ga hỏi lịch tàu chạy. Con quả là đứa bé sáng chói đấy!
Tôi đỏ mặt vì lời khen. Trong khi đó, bác sĩ nhấc điện thoại lên và bắt đầu quay số.


























Tạm biệt


Suốt đêm đó, tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Mọi chuyện xảy ra nhanh chóng và lạ kỳ như một giấc mơ. Ngày mai tôi đã phải chia tay nó rồi. Tình bạn một ngày ngắn ngủi nhưng biết bao kỷ niệm. Một nỗi buồn len lỏi xâm chiếm tâm hồn. Tự nhiên tôi cảm thấy bồi hồi. Tôi sắp mất một người bạn rồi sao?
Mải suy nghĩ, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Trong cơn mơ, tôi thấy con cáo hóa thành một con bồ câu. Nó tung cánh vút lên tầng không bao la, bay xa mãi, để mặc tôi chạy theo gào khản giọng. Vấp té, tôi nằm im đó, khóc tấm tức. Và lúc tỉnh dậy, tôi thấy nước mắt giàn dụa trên má. Những giọt nước mắt nóng hổi, chảy cho một cuộc phân ly.
oOo
Ăn sáng xong, tôi tót ra khỏi nhà. Mẹ tôi gọi với theo:
- Đi đâu vậy con?
- Con sang nhà bác Lâm mẹ ạ!- Tôi đáp.
Đến nơi, tôi thấy tất cả đã sẵn sàng. Bác dắt xe máy ra:
- Lên đi con trai! Chuyến tàu sẽ khởi hành lúc tám rưỡi.
Bác khóa cửa lại. Bỗng một phụ nữ ăn mặc diêm dúa trờ tới. Trên chiếc xe máy sang trọng là một con chó kiểng lông xù. Thấy con cáo, nó sủa nhặng xị lên. Bà ta vỗ về:
- Yên nào, Kiki!- Rồi quay sang bác sĩ, bà ta hỏi- Anh chuẩn bị đi đâu hả?
- À! Tôi có việc một chút!- Bác sĩ đáp.
- Tiếc nhỉ! Con Kiki của tôi bị cảm, định nhờ anh khám giúp.
- Vậy chiều chị quay lại đi! Giờ tôi phải đi rồi.
Bà ta hơi thất vọng:
- Vậy cũng được! Còn cậu bé nào đây?
- Hàng xóm của tôi đấy!
Bỗng nhìn thấy con cáo, mắt bà ta sáng lên:
- Cái gì đây? Một con cáo phải không? Tôi không lầm chứ?
- Chị lầm rồi! Nó là một giống chó lai.
- Mặc kệ nó là chó lai hay gì gì đi nữa! Coi bộ lông nó kìa! Thật là tuyệt vời! Hãy để nó cho tôi, bác sĩ! Anh muốn bao nhiêu?
Bác sĩ lộ vẻ khó chịu:
- Nó không phải của tôi! Nó là của cậu bé này.
Bà ta quay sang tôi:
- Hãy nhượng lại nó cho cô, chú bé! Cô sẽ cho cháu tiền.
Tôi nhăn mày:
- Không bao giờ!
Bà ta cáu kỉnh:
- Cháu thật là hỗn hào đấy! Hãy nhượng nó cho cô đi, và nói cháu muốn gì!
Bác sĩ cắt ngang:
- Chúng tôi có công việc gấp. Và chúng tôi muốn đi.
- Các người thật là cố chấp!
Bà ta nói xẵng và rồ ga bỏ đi. Tôi, bác sĩ, và cáo cũng lên đường.
- Con không thích bà ta!- Tôi nói.
- Bác cũng vậy!
- Ta cũng thế!- Con cáo đồng tình.
- Bà ta rất khó ưa!- Bác sĩ kể- Có lần bà ta đánh thức bác dậy vào lúc nửa đêm để… bôi thuốc đỏ vào vết sầy tí xíu ở chân con chó. Đừng có nghĩ bà ta thương yêu động vật! Bả chỉ thương con chó của bả thôi. Bác đã thấy có lần bà ta cho người đập chết một con chó vì nó dám làm cho con Kiki hoảng sợ đấy!
- Bả đúng là một mụ phù thủy!
Con cáo rủa:
- Đồ cóc ghẻ thối tha! Ta không ưa gì lũ chó lắm nhưng con mụ đó thật độc ác.
Và chúng tôi thi nhau tìm những từ ngữ xấu xa nhất để nói xấu bà ta. Bác sĩ không tham gia nhưng rõ ràng ông cũng đồng tình.
Đề tài của chúng tôi chỉ ngừng lại khi đã tới ga. Bác sĩ gửi xe rồi dẫn con cáo vào một góc khuất. Và ông đi ra chỉ một mình.
- Nó biến thành bồ câu rồi!- Bác sĩ thì thầm khi hai chúng tôi đi vào phòng đợi.
- Con cũng đoán vậy!- Tôi đáp.
Khi loa thông báo tàu đến, bác sĩ mua một vé tiễn và dẫn kèm tôi ra sân ga. Trên sân có khá nhiều bồ câu đi qua đi lại. Bác sĩ bảo:
- Con thử đoán xem con cáo đâu!
Tôi đưa mắt quan sát. Thật là khó! Nhưng rồi tôi nhận ra một con bồ câu đứng một mình gần đường ray. Tôi reo lên:
- Nó kìa! Bác sĩ! Phải nó không?
Bác sĩ cười:
- Đúng là nó đấy! Mình lại đằng đó đi!
Chúng tôi lại gần con cáo (À! Bây giờ là con bồ câu chứ!), đứng thành hàng ngang và cùng nhìn thẳng về một hướng. Bác sĩ nói nhỏ, đủ để tôi và nó nghe:
- Đến đó rồi mọi chuyện còn lại mày phải tự lo lấy. Ta nghĩ việc tìm ra một môi trường sống tự nhiên rộng lớn như thế chẳng phải là vấn đề đối với một con cáo thông minh, đúng không?
- Ông nói đúng đấy, bác sĩ!
Tôi dặn nó:
- Ở trên tàu, phải bám chắc vào. Nó chạy nhanh lắm đó. Và cẩn thận với những họng súng đấy! Người ta không tha cho một con bồ câu đâu!
- Cảm ơn ngươi đã nhắc nhở!
Tiếng còi tàu đột ngột vang lên. Bác sĩ giục:
- Đi đi!
Nó quay sang nhìn tôi:
- Ta rất quý ngươi đấy cậu bé ạ!
Tôi bùi ngùi:
- Tao cũng vậy!
- Cả ông nữa, bác sĩ!
- Rất vinh hạnh!- Bác sĩ đáp.
Nó vỗ cánh bay lên. Đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh. Tôi ngậm ngùi nhìn theo. Tiếng bánh tàu lăn trên đường ray hay tiếng lòng tôi thổn thức? Tôi hét to:
- Tạm biệt!!!…
Con bồ câu- cáo quay đầu lại nhìn. Và tôi thoáng thấy nụ cười chực trào ra nơi khóe mắt, của tôi và của nó.



































Đi du lịch


Bẵng đi nửa năm trời, tôi cũng nguôi ngoai về chuyện của con cáo. Tôi đã bước vào kỳ nghỉ hè. Trong khoảng thời gian này, tôi hay sang nhà bác sĩ Lâm để xem ông chữa bệnh cho các con thú. Nhưng không phải lúc nào cũng có khách. Những khoảng thời gian rảnh rỗi đó, ông sử dụng vào việc đọc sách. Và tôi lúc đó cũng chìm đắm trong những cuốn sinh vật vui dành cho thiếu nhi. Nhờ thế mà tôi có một lượng kiến thức kha khá về động thực vật so với những đứa trẻ cùng lứa.
Một hôm, bác sĩ hỏi tôi:
- Chàng trai! Hè này con có đi đâu không?
Tôi lắc đầu:
- Ba con chẳng có kế hoạch nào cả!
- Vậy con có muốn đi du lịch cùng bác không?
- Tất nhiên là muốn chứ!
Bác sĩ nói:
- Bác vừa nhận được thư mời đi tham quan. Được bao trọn gói. Có thể dẫn kèm một người. Bác muốn con đi cùng!
- Nhưng chúng ta sẽ đi đâu hở bác?
- Con đoán thử xem! Đó là nơi con mong muốn được đến nhất đấy!
Nơi tôi muốn đến nhất à? Nhiều lắm! Tôi từng ôm giấc mơ ra Hà Nội để xem tháp Rùa, từng ao ước được lên Đà Lạt để hưởng gió cao nguyên, từng mộng tưởng về đảo khỉ ở Nha Trang. Nhưng từ nhỏ đến giờ tôi chỉ được vô Sài Gòn đúng một lần vào năm ngoái để ăn đám cưới bà chị họ. Rốt cuộc, bây giờ tôi cũng chẳng biết mình muốn đi đâu.
- Con thua rồi! Bác nói cho con biết đi!
Bác sĩ mỉm cười:
- Hãy bình tĩnh nhé! Chúng ta sẽ được tham quan… rừng Cúc Phương!
Tôi không tin vào tai mình:
- Thật sao? Bác nói cho con biết là con không mơ đi!
Bác sĩ nhẹ nhàng:
- Không! Không phải là một giấc mơ đâu con trai! Đó là sự thật!
Tôi nhảy cẫng lên:
- Chúng ta sẽ gặp lại nó chứ bác? Ý con là con cáo đó!
- Không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ gặp lại nó thôi!
Tôi nghĩ tới thực tế trước mắt:
- Nhưng mẹ sẽ không cho con đi đâu!
- Bác sẽ thuyết phục cả ba và mẹ con!
Tôi lắc đầu:
- Bác không làm được đâu!
Bác sĩ quả quyết:
- Bác sẽ làm được! Hứa danh dự đó!
oOo
Bác sĩ Lâm là một người trọng danh dự. Ngay hôm đó, ông sang nói chuyện với ba mẹ tôi suốt buổi tối.
Ba ngày sau, tôi và ông có mặt trên chuyến tàu ra Bắc. Chính đoàn tàu mà con cáo đã ra đi.
Tôi ngồi trên tàu gần một ngày trời với tâm trạng vô cùng háo hức. Vừa xuống ga, bác sĩ ngoắt một chiếc taxi và chúng tôi đến địa điểm tập trung.
Đó là một nhà khách hạng trung nằm ở thị trấn trung tâm của huyện Nho Quan. Đã có một vài đoàn đến trước chúng tôi. Hầu hết đều là người quen của bác sĩ Lâm. Sau một hồi tay bắt mặt mừng, chúng tôi được đưa về phòng.
Căn phòng nằm ở cuối hành lang tầng hai, yên tĩnh và thoáng mát. Buổi sáng, tôi thường ra ban công để hưởng không khí trong lành của sớm mai và ngắm không biết chán màu xanh ngắt của núi rừng bao bọc xung quanh. Không biết bây giờ con cáo đang làm gì. Nó có nhớ đến tôi không hay mải vui với núi rừng mà quên đi người bạn thành phố này rồi!




























Trong rừng


Đoàn tham quan có khoảng ba mươi người. Hầu hết là bác sĩ thú y và các nhà nghiên cứu môi trường. Tôi là đứa trẻ duy nhất trong đoàn. Chúng tôi sẽ tham quan rừng Cúc Phương trong ba ngày với một hướng dẫn viên.
Qua khỏi cửa rừng, tôi có cảm giác như mình đang trở lại những ngày xa xưa khi con người “trồng bằng lửa, cày bằng dao”. Khung cảnh núi rừng kỳ vĩ, hoang sơ và tự nhiên hết mức có thể. Dưới ánh sáng lung linh của những giọt nắng rơi qua kẽ lá, một đàn bướm lượn chập chờn, kỳ ảo như là cổ tích. Rồi tiếng chim ríu rít trên những tàng cây xanh mát cho con người chìm đắm trong sự yên bình, thanh thản mà nơi đô thị phồn hoa không thể nào có được. Một con voọc quần trắng địu con trên bụng, chuyền cành chạy theo đoàn tham quan. Nó cứ trố mắt nhìn chúng tôi, lạ lẫm và thích thú y hệt như… trẻ con xem khỉ xiếc.
Đi cả buổi sáng trong rừng, giẫm lên không biết bao nhiêu lớp lá mục nát, gặp vô số những con vật kỳ lạ, tôi không thấy bóng dáng con cáo đâu. Bác sĩ Lâm trấn an tôi. Ông bảo có lẽ nó ở sâu tận trong kia. Và tôi tiếp tục nuôi hi vọng.
Đến trưa, mọi người dừng lại bên một khe suối. Tôi vẫn chưa tìm ra con cáo. Sau bữa trưa, mọi người tản ra xung quanh tìm một góc cho riêng mình. Tôi khoèo anh hướng dẫn viên:
- Anh ơi! Rừng này có cáo không?
Anh nhìn xuống tôi, đáp:
- Có đấy em ạ! Chúng thường đào hang dưới những gốc cây, mô đất hay những tảng đá lớn. Em thích loài cáo hả?
- Không ạ! Em chỉ hỏi cho biết thôi! Vậy ở đây có hổ không hả anh?
- Có chứ!
- Vậy lỡ mình đang đi nó nhảy ra đớp một phát thì sao ạ?
Một số người ở gần đấy bật cười trước thắc mắc vô cùng chính đáng của tôi. Lỡ tôi mắc tiểu đột xuất phải tìm chỗ vắng giải quyết, nó nhảy ra đòi… “đánh bạn” với tôi thì sao. Anh hướng dẫn viên xoa đầu tôi:
- Không đâu em! Hổ vốn rất nhát người. Chúng ta đông người thế này mà lo gì.
- Nhưng bà em bảo ở vùng núi, hổ hay ăn thịt những người đi rừng và mò vào bản bắt trộm gia súc.
Một bác già ngồi cạnh đó xen vào:
- Đúng là có chuyện đó! Nhưng vì hổ bị dồn vào đường cùng nên mới làm như vậy. Ở đây, môi trường thiên nhiên dịu dàng, phóng túng đã làm đằm bớt tính hung hãn của hổ. Nó sẽ không tấn công chúng ta một cách vô lý đâu!
Nghe bác nói vậy, tôi yên tâm được chút chút. Tôi quay lại chỗ bác Lâm:
- Con chẳng thấy nó đâu cả!
- Không sao đâu con! Chúng ta chỉ mới đi có một phần rừng thôi mà!
- Nhưng con cứ lo lo. Lỡ nó không đến được đây…
Tôi bỏ lửng câu nói. Bác Lâm choàng tay qua, kéo tôi xích lại gần vỗ về:
- Đừng lo! Không có chuyện đó đâu. Nó là một con cáo thông minh. Thông minh và may mắn!
oOo
Mười ba giờ, chúng tôi đi thăm động Người xưa và ghé qua cây chò nghìn tuổi. Đứng trước cái cây khổng lồ, tôi cảm thấy mình thật nhỏ nhoi. “Thân cây dễ chừng phải mười người ôm mới hết”. Vừa thầm nghĩ, tôi vừa quan sát dưới gốc cây, săm soi từng góc rễ để xem thử có cái hang nào không. Tuyệt nhiên không!
Kết thúc ngày đầu tiên, tôi vẫn chưa tìm ra nó. Leo lên xe về nhà nghỉ, tự nhiên tôi thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc.



































Tái ngộ


Về đến phòng, tôi ngồi thu lu trên giường. Bác sĩ Lâm cũng im lặng đọc báo trên chiếc ghế bành bên cạnh bàn nước. Không ai nói tiếng nào.
Bỗng có tiếng gõ cửa. Bác sĩ bảo tôi:
- Con ra mở cửa giúp bác đi!
Tôi uể oải nhảy xuống giường. Đến gần cửa, tôi nhận ra không phải có ai đang gõ cửa, mà là có một con gì đó đang cào cửa. Tuy vậy tôi vẫn lên tiếng thăm dò:
- Ai đấy ạ?
Không có ai trả lời. Chỉ tiếng cào cửa vẫn vang lên, gấp gáp hơn trước. Con cáo chăng? Không thể nào! Làm sao nó biết tôi ở đây được! Tôi xoay nắm đấm cửa, mở bung ra. Vắng ngắt, trống trơn!
Nghĩ rằng có ai đùa mình, tôi ló đầu ra hành lang xem thử. Và tôi đứng sững. Có một con cáo nép sát bức tường. Một giây, hai giây, rồi tôi nhảy tới ôm chần lấy nó:
- Đúng là mày rồi! Anh bạn. Tao nhớ mày lắm!
Con cáo kêu lên:
- Từ từ thôi! Ngươi làm ta nghẹt thở bây giờ!
Tôi buông tay ra, vẫn tưởng mình đang mơ. Tiếng bác sĩ vang lên:
- Ai ở ngoài đó vậy con?
Liền theo đó là tiếng bước chân. Bác sĩ ló mặt ra. Ông lập tức hóa đá. Con cáo nhe răng cười:
- Ông không mời ta vào phòng sao, bác sĩ?
oOo
- Con tàu đó chạy khiếp thật!- Con cáo bắt đầu câu chuyện.- Ta đã cố bám vào với tất cả sức lực. Gió cứ vun vút, cứa vào da thịt lạnh căm. Không bị rụng mất cái lông nào là may lắm rồi! Đáng sợ nhất là lúc nó chạy xuyên qua lòng núi. Chẳng biết mình đang ở đâu mà sấm chớp cứ đì đoàng bên tai. Thật là kinh khủng!
Vừa kể, con cáo vừa rùng mình. Tôi âu yếm vuốt ve bộ lông ấm áp của nó. Bác sĩ ngồi trên ghế bành cười khà khà. Con cáo tiếp tục:
- Tàu chạy xuyên đêm. Ta buồn ngủ kinh khủng nhưng không dám chợp mắt. Nó đến ga Ninh Bình vào lúc tờ mờ sáng hôm sau. Lang thang suốt năm ngày, cuối cùng ta cũng đến được rừng Cúc Phương. Đúng như ngươi nói, thật là một nơi tuyệt vời. Tại đây, ta đã gặp được cô ấy.
- Cô ấy?- Tôi nhổm dậy- Mày muốn nói là…
Con cáo gật đầu:
- Ta đã kết hôn lần nữa! Giống như vợ cũ của ta, cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời!
- Vậy mày có một mái nhà hạnh phúc chứ nhỉ?
Bác sĩ hỏi. Tôi thấy ông hơi buồn. Có lẽ ông nhớ người vợ quá cố của mình. Con cáo không để ý đến điều đó. Nó đáp:
- Tất nhiên rồi! Chúng ta đã có bốn nhóc!
Tôi trố mắt:
- Bốn?
Bác sĩ nói:
- Cũng phải thôi! Chúng ta chia tay nó hơn nửa năm rồi chứ ít ỏi gì!
Tôi hỏi:
- Sao mày biết tao và bác sĩ ở đây?
Con cáo đáp:
- Ta bám theo hai người từ trong rừng. Lúc đó đông quá, ta không thể ra mặt được!
- Mày chạy nhanh đến vậy à?
- Không! Ta đã bay! Ta đâu đã quên cách biến thành một con bồ câu. Vào đây mới là một khó khăn. Dưới tiền sảnh đầy người. Để theo kịp các ngươi, ta đã biến thành một con chuột.
Tôi thắc mắc:
- Sao mày không vào theo đường ban công?
- Ngươi vẫn ngốc như ngày nào! Ta đã biết các ngươi ở phòng nào đâu!
Bác sĩ nói:
- Mày ở lại đây nhé! Mai hẵng về!
- Tất nhiên rồi bác sĩ! Ta đâu thể bay trong đêm với đôi mắt của một con bồ câu. À! Nhân đây ta muốn hỏi một chuyện. Đoàn người lúc sáng là ai thế?
- Đó là đoàn tham quan. Bọn ta cũng được mời. Thế nên mới có thể ra đây để thăm ngươi được chứ.
Con cáo tự nhiên lúng túng. Nó lí nhí:
- Vậy mà… Vậy mà ta cứ tưởng là hai người dẫn họ đến để… bắt ta!
Bác sĩ kêu lên:
- Đừng nghĩ xấu bạn bè thế chứ anh bạn!
- Ta xin lỗi!- Con cáo cúi gằm mặt, khổ sở- Nhưng hoàn cảnh bắt buộc ta lo sợ!
Tôi thấy tội nghiệp nó nên lên tiếng:
- Đó chỉ là hiểu lầm thôi! Chúng ta không trách mày đâu! Phải không bác sĩ!
Bác sĩ gật đầu:
- Đúng vậy! Nếu ở trong hoàn cảnh của mày, ta cũng sẽ nghi ngò!
Mặt con cáo tươi lên:
- Hai người không giận ta thật chứ?
Cả tôi và bác sĩ cùng nói:
- Thật! Bạn bè ai lại giận nhau!




Gia đình cáo


Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục khởi hành. Không ai để ý đến con bồ câu bay phía sau xe, trừ tôi và bác sĩ.
Lúc xuống xe, tôi nhìn quanh quất nhưng không thấy nó đâu. Có lẽ nó đã chui tọt vào rừng.
Lần này, chúng tôi đi theo hướng khác. Tôi và bác sĩ đi ở cuối đoàn. Khi dừng lại nghỉ chân một lúc, con cáo lại xuất hiện sau một lùm cây. Nó ra hiệu cho tôi và bác sĩ đi theo.
- Chúng tôi ra đây một lát nhé!
- Đừng đi quá xa!- Anh hướng dẫn viên nói với theo.
- Ngay đây thôi!- Bác sĩ đáp, không quay đầu lại.
Chúng tôi theo chân con cáo đến một trảng cỏ xanh rì. Đây là nơi thứ hai trong rừng tôi thấy tràn ngập nắng và không bị che phủ bởi những tán cây.(Nơi đầu tiên là bên bờ suối). Trên trảng cỏ là bốn chú cáo con đang nô đùa. Cách đấy không xa, con cáo mẹ đang dịu dàng ngắm nhìn lũ con tinh nghịch. Trông nó thật là mãn nguyện.
Con cáo bảo:
- Đợi ở đây đi! Ta sẽ bảo gia đình đến chào hai người!
Nói rồi nó chạy ra. Bọn cáo con lập tức bỏ cuộc vui, chạy đến đón cha. Con cáo mẹ bước lại gần. chúng nói với nhau bằng ngôn ngữ Cáo. Một lát, cáo cha kêu lên bằng ngôn ngữ cấp cao:
- Nào! Hôm nay chúng ta có khách! Đó là hai vị ân nhân ngày xưa của ta.
Vừa nói, nó vừa hướng ánh nhìn về phía chúng tôi. Bác sĩ bước ra trảng cỏ. Tôi đi theo ông.
Cáo mẹ làm một cử chỉ chào giống như là e lệ. Lũ cáo con hơi bỡ ngỡ trước khách lạ, lại là hai con người. Nhưng rồi thấy cha mẹ không tỏ thái độ gì, chúng xúm quanh và đùa giỡn với tôi. Tôi bế một chú cáo con lên và nựng nịu. Nó thật là dễ thương. Đây không phải là nhận xét của một mình tôi. Trong lúc tôi đang mải mê đùa giỡn với lũ cáo con thì một giọng nói vang lên:
- Cả một gia đình cáo! Thật dễ thương làm sao!
Tôi và bác sĩ quay lại. Đoàn tham quan đã đứng đó tự lúc nào. Tôi cầu trời là họ không nghe thấy con cáo cha nói. Có lẽ là vậy thật! Bà vừa lên tiếng bước tới định bế một chú cáo khác lên. Đàn cáo giật mình chạy về phía cái hang ở dưới một gốc đại thụ rồi chui tọt vào. Mọi người ồ lên tiếc rẻ. Họ xúm xít quanh hang cáo. Một ông cao cao bảo tôi:
- Cậu bé! Gọi chúng ra đi!
Tôi lắc đầu.
Ông ta quay sang bác sĩ Lâm:
- Anh Lâm! Bảo cháu anh kêu lũ cáo ra cho mọi người chiêm ngưỡng chút đi!
Bác sĩ cũng lắc đầu:
- Không được đâu! Lũ cáo hoang đời nào lại nghe lời cháu tôi!
- Nhưng ai cũng vừa chứng kiến anh và cháu anh nô đùa cùng lũ cáo con.
Bác sĩ nắm lấy tay tôi:
- Đó chỉ là ngẫu nhiên thôi! Tôi dám chắc là lũ cáo sẽ không bao giờ chịu thò ra nếu chúng ta cứ đứng quanh quẩn ở đây! Tôi nghĩ anh biết điều đó mà, phải không? Đừng làm phiền chúng nữa! Đi thôi!
Và mọi người tiếp tục cuộc hành trình với tâm trạng đầy tiếc rẻ. Chỉ có hai người phấn khởi. Một là tôi, và một là bác sĩ Lâm. Khi ngoái nhìn về phía sau, tôi thấy gia đình cáo đứng trước cửa hang nhìn theo. Một chú cáo con đưa chân trước lên vẫy vẫy. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi thực sự mãn nguyện với chuyến đi này! Có lẽ bác sĩ cũng vậy.











Kết


Nếu bạn có dịp đến rừng Cúc Phương và bắt gặp một trảng cỏ xanh rì đầy nắng với một gia đình cáo đang nô đùa trong ngập tràn hạnh phúc, hãy vẫy tay chào! Biết đâu, bạn sẽ có thể bắt chuyện với chúng. Hay ít ra, bạn sẽ nhận được nụ cười trong mắt cáo!
Hãy nuôi hi vọng!

                                                                                      Quy Nhơn,07/08/2006